01-01-2019 561
Lúc này là 17:46 ngày 1/1/2019. Từ ngày chấp bút viết blog đã được gần 4 tháng rồi.Chúc các bạn 1 năm 2019 như ý và vạn sự vui vẻ nhé.
Nhân dịp năm mới, post này MM sẽ viết về ngày Tết của Nhật nhé. Nhật ăn tết dương, nên hôm nay là mùng 1 Tết của các bạn ấy. Cũng giống như Việt Nam và các nước trên thế giới, ngày Tết là dịp nhà nhà sum vầy, người người đi chơi Tết, nên bên Nhật những ngày này không khí cũng rất nhộn nhịp.
Cuối năm, bên Nhât cũng nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa, và mua sắm chuẩn bị Tết. Trước Tết gần 1 tháng thì ti vi cũng toàn những chương trình như là buổi tổng kết, trao giải của năm, các mẹo dọn dẹp nhà cửa...Vào đêm giao thừa thì có Kohaku-một chương trình ca nhạc quy tụ các ngôi sao của năm, có bề dày truyền thống mấy chục năm. Kohaku giống như là chương trình Táo quân của mình vậy đó.
Giao thông cũng nhộn nhịp, dòng người đổ từ các thành phố lớn về quê thăm nhà nên những ngày giáp Tết xe cộ chật đường cao tốc, xe điện chật kín người. Phố xá trang hoàng hoành tránh, sạch sẽ tinh tươm với mong ước một năm mới mới toanh, đẹp đẽ. Các khu mua sắm thì nhộn nhịp sale. Mùa này là mùa sale lớn nhất của Nhật, các shop thường có bán túi Phúc-fukufukuro, là một túi hàng có bỏ nhiều mặt hàng ngẫu nhiên với giả rẻ hơn nhiều nếu mua lẻ. Nếu tích cực đi săn, bạn sẽ kiếm được kha khá đồ giá tốt đấy.
Túi phúc-fukufukuro |
Cuối năm người Nhật cũng tặng quà cho nhau,gọi là Saibo hoặc Seibo.Các công ty gửi tặng quà đối tác, học trò gửi tặng thầy cô tri ân....Món quà có thể là đồ ăn, rượu, hoặc 1 tặng phẩm nào đó như khăn, bột giặt...
Và một điều không thể thiếu vào dịp cuối năm chính là tiệc tất niên. Các bữa tiệc tất niên bắt đầu được tổ chức từ đầu tháng 12. Người Nhật bên cạnh tiệc Tất niên còn có tiệc Tân niên được tổ chức vào đầu năm mới.Nên mùa cuối năm đầu năm này có thể coi là mùa làm ăn của các nhà hàng Nhật
Đêm giao thừa, người Nhật thường đi viếng đền chùa, đi từ đêm và countdown ở chùa. Ở đền chùa có rút quẻ đầu năm, mọi người thường đến khấn và xin quẻ năm mới. Nếu quẻ xấu thì sẽ cột lại chùa.Cũng có người đi viếng chùa vào ngày mồng 1. Thường thì sáng mồng 1 các cô gái, quý bà sẽ diện kimono đi viếng chùa và chơi Tết. Nếu may mắn ban có thể bắt gặp cả những chú cún cảnh mặc kimono cơ. Về độ cưng chó, thì người Nhật chắc cũng xếp top thế giới. Ngày mồng 1 Tết, người Nhật còn có phong tục đi ngắm Bình minh đầu tiên của năm, gọi là hatsunode, với mong muốn 1 năm tươi sáng rạng rỡ như bình minh ngày mới.
Những quẻ xấu được cột lại |
những chú cún mặc kimono |
Còn về ẩm thực, đêm giao thừa người Nhật thường ăn Soba- một loại mì làm từ cây soba. Người Nhật quan niệm sợi mì soba dài, mượt là ý nghĩa của một năm suôn sẻ. Ngoài ra cũng có thuyết là sợi mì này dễ cắn, nên cũng có ý nghĩa là nếu lỡ có xui xẻo thì nó cũng được giải quyết nhanh gọn như cắn mì vậy.
Còn ngày Tết, người Nhật hay bày lêm mâm đồ ăn các món ăn ngày Tết truyền thống gọi là Osechi, với những món như là chả cá, đậu nấu ngọt..Các món ăn được làm ngọt hoặc mặn để giữ được lâu, và nhiều màu sắc bắt mắt. Ngày xưa thì mỗi nhà tự nấu Osechi của nhà mình, nhưng dạo gần đây, do người phụ nữ Nhật cũng bận rộn với công việc và gia đình, Osechi cũng được bày bán sẵn, hoặc order giao tận nhà.
Và cũng như các nước châu Á khác, Tết ở Nhật cũng không thể thiếu khoản lì xì, tiếng Nhật gọi là Otoshidama.Và đặc biệt ở Nhật là càng lớn thì tiền lì xì càng lớn (tất nhiên là cho đến khi bạn chưa đi làm nha, hihi).
Osechi- Món ăn ngày Tết truyền thống của Nhật |
Kỳ nghỉ lễ ở Nhật thường kéo dài 1 tuần, nếu thêm thứ 7, chủ nhật, kỳ nghỉ có thể kéo dài cả chục ngày, do đó đây cũng là dịp người Nhật đi du lịch nước ngoài nhiều. Gần đây xu thế đi du lịch Tết của giới nhân viên văn phòng trẻ Nhật cũng khá rầm rộ, nên mùa Tết thì các sân bay quốc tế của Nhật luôn trong tình trạng quá tải, và vé máy bay thì cũng đắt kinh khủng.
Tết thì hàng quán ăn ở Nhật cũng đóng cửa nhiều, nhưng các shop lớn vẫn mở, còn các mall shopping thì mở bán lấy lộc đầu năm, giá siêu yêu thương, nên nếu bạn có sắp xếp đi du lịch Nhật trúng dịp Tết thì vẫn không sao nha. Mà có khi đi dịp Tết của Nhật lại còn thú vị hơn cũng nên.
MMblog